Đánh giá điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán của từng bản, tiểu khu rồi từ đó mới nghiên cứu chuyển đổi các loại cây trồng phù hợp là cách làm của xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu trong việc lựa chọn các loại cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Những vườn cây ăn quả xanh mướt trải dài, những vườn rau được trồng với công nghệ tưới tự động là hình ảnh ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi được đồng chí Lò Văn Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Luông đưa đi thăm mô hình phát triển kinh tế ở bản Tám Ba. Giữa trời nắng, anh Lâm Hồng Lợi, bản Tám Ba vẫn chăm chú theo dõi hệ thống tưới phun nước tự động mới lắp. Anh Lợi phấn khởi nói: Trước đây, gia đình tôi trồng ngô và lúa, vốn là các loại cây truyền thống gắn bó với gia đình từ lâu nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2016, được sự hướng dẫn của cán bộ xã và tư vấn của cán bộ khuyến nông, gia đình đã chuyển đổi hơn 1 ha đất sang trồng cây chanh leo, cam, xoài, bưởi da xanh và các loại rau trái vụ. Với cách làm lấy ngắn nuôi dài, thu nhập từ rau và chanh leo được tái đầu tư sản xuất và một phần để tiếp tục phát triển, chăm bón vườn cây ăn quả. Dự kiến trong năm tới, vườn cây ăn quả của gia đình bắt đầu cho thu hoạch, đây cũng chính là nguồn thu nhập cao cho gia đình.

 

Theo chia sẻ của đồng chí Bàn Văn Đông, Bí thư chi bộ bản Tám Ba, xã Phiêng Luông (Mộc Châu): Trước kia, bà con trong bản chủ yếu sản xuất theo tập quán cũ, chọc lỗ bỏ hạt. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất dốc của tỉnh và địa phương, Ban Quản lý bản đã tập trung tuyên truyền người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả chất lượng cao. Sau 3 năm thực hiện chuyển đổi diện tích cây ăn quả trên đất dốc, hiện cả bản đã có hơn 20 ha cây trồng đã cho thu hoạch, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

 

Chia tay các mô hình kinh tế ở bản Tám Ba, chúng tôi tiếp tục đến thăm HTX rau sạch Dũng Tiến, một trong những HTX tiên phong của xã trong việc trồng các loại rau màu trái vụ theo tiêu chuẩn VietGAP để bán cho hệ thống siêu thị VinEco, ông  Kim Văn Dũng, Giám đốc HTX chia sẻ: HTX thành lập tháng 7/2016 với 5 thành viên, HTX chủ yếu trồng các loại rau trái vụ, như: Bắp cải, súp lơ, xu hào... thời gian đầu, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất nên hiệu quả kinh tế không cao. Được sự giúp đỡ của xã, các thành viên của HTX chủ động đăng ký vay vốn, tìm hiểu kỹ thuật, đầu tư hệ thống tưới nước tự động cho cây, nhờ đó sản xuất của HTX ngày càng hiệu quả. Bên cạnh 10 ha cây ăn quả các loại, như: Cam, bưởi, xoài... thì 5 ha rau trái vụ vẫn đều đặn cung cấp 30 tấn rau/ngày cho hệ thống siêu thị của VinEco, thu nhập bình quân từ 1 ha đất của HTX đạt gần 200 triệu đồng

 

Đồng chí Bàn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả toàn xã Phiêng Luông đạt trên 200 ha, sản lượng quả tươi ước đạt 410 tấn. Năm 2017, toàn xã trồng mới 76,6 ha, riêng 6 tháng đầu năm 2018 trồng mới trên 50 ha, với các loại cây trồng chủ yếu, như: Bưởi, mận, đào, hồng giòn, chanh leo… tập trung tại các bản Phiêng Hạ, Phiêng Tiến, bản Muống, Tám Ba, Piềng Sàng, Suối Khem. Thời gian tới, xã Phiêng Luông tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi diện tích cây lương thực trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, phấn đấu năm 2018, trồng mới trên 70 ha cây ăn quả, sản lượng quả ước đạt 1.295 tấn. Đồng thời, tập trung phát triển cây ăn quả theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, chất lượng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng; tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân.

 

Việc chuyển đổi cây trồng trên đất dốc tại xã Phiêng Luông bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế. Xã Phiêng Luông tiếp tục quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất tập trung; phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, gắn với việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đảm bảo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc thực sự đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.

Nguồn : Báo Sơn La