Những đặc sản nông nghiệp, như: Sữa, chè, mận hậu đã quá quen thuộc với nhiều người khi nhắc đến Mộc Châu. Bên cạnh những sản phẩm đó, những năm gần đây, người nông dân ở vùng đất cao nguyên này còn tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng của địa phương, như: Bơ, hồng giòn, chanh leo, mật ong, các loại rau màu... góp phần tạo nên bức tranh nông nghiệp đa màu sắc.

Một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu hiện nay của huyện Mộc Châu là các loại rau xanh, đặc biệt là rau an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đang được bày bán tại nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm lớn trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi đến thăm HTX rau an toàn Tự Nhiên tại bản Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu). Vừa cùng đoàn công tác của tỉnh tham gia “Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2018” diễn ra tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc HTX rau an toàn Tự Nhiên nói: Các loại sản phẩm rau của HTX đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn đối với người sử dụng nên được thị trường đón nhận. Để hàng hóa đạt tiêu chuẩn, vào được các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn khó khăn lắm, họ kiểm tra kỹ lưỡng từ lúc còn đang gieo trồng tại vườn đến khi thu hoạch và tổng kiểm tra lần cuối các sản phẩm trước khi đưa vào bày bán. Ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc trong sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX còn đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, HTX đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các siêu thị lớn ở Hà Nội như: Metro, Vinmart, BigC...

Tìm hiểu được biết thêm, HTX rau an toàn Tự Nhiên được thành lập năm 2015 với 38 thành viên, sản lượng các loại rau màu bình quân đạt trên 1.200 tấn/năm, tạo thu nhập ổn định cho xã viên với mức thu nhập bình quân từ 500 đến 600 triệu đồng/1ha đất sản xuất trong 1 năm.

Chia tay HTX rau an toàn Tự Nhiên, chúng tôi tìm đến mô hình nuôi ong của HTX Cựu chiến binh Mộc Châu. HTX hiện có trên 1.500 đàn ong được nuôi theo quy trình an toàn đã được chứng nhận VietGAP. Sản lượng mật bình quân đạt hơn 300 tấn/năm và được đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước; lợi nhuận bình quân đạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với mức thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng. Đem khoe với chúng tôi một số sản phẩm làm từ ong, như: Mật, sữa ong chúa, phấn hoa... ông Trần Trọng Bình, Giám đốc HTX Cựu chiến binh Mộc Châu, chia sẻ: Phát huy lợi thế cao nguyên Mộc Châu trong lành, lại có nhiều rừng cây và đồi cây ăn quả, HTX đã từng bước mở rộng quy mô nuôi ong, vừa chuyển đổi giống ong, vừa phổ biến cho cán bộ, hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi theo hướng VietGAP để nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm, cung cấp dịch vụ vật tư, con giống, kỹ thuật nuôi ong cho các thành viên trong Hợp tác xã. Vừa qua, các sản phẩm của HTX được tham gia trưng bày sản phẩm tại Hội chợ nông sản sạch thủ đô Hà Nội, chương trình do Trung tâm Xúc tiến thương mại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Tại Hội chợ, nhiều khách hàng yêu thích và tin tưởng mua rất nhiều sản phẩm của chúng tôi.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mộc Châu có rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu, như: Rau an toàn của Hợp tác xã rau an toàn Tự Nhiên; chanh leo của HTX Chanh leo Mộc Châu; mận hậu của Tổ hợp tác sản xuất và tiêu dùng mận an toàn Mộc Châu; hồng giòn và nấm của HTX nấm Thảo Nguyên Mộc Châu; cam... Mộc Châu xác định việc hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm; tạo điều kiện giúp các tổ chức, cá nhân đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ, nhân rộng chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, từng bước hình thành các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu mang thương hiệu Mộc Châu.

Nguồn : Báo Sơn La